Người đi mài ngọc, Số 02 Khi tình yêu nảy nở cùng con số
(Nhịp cầu văn hóa): Rất xin lỗi vì đã đợi cho các bạn chờ đợi lâu, nhưng số ngày hôm nay, đảm bảo sẽ thu hút các bạn! Dẫu bài viết hơi dài nhưng cứ đọc đến những dòng cuối, bạn sẽ cảm thấy được cái lãng mạn mới của Toán nhé!
Số thứ hai : Khi tình yêu nảy nở cùng con số !
Nếu như ở số lần trước, các bạn đã được gặp thầy Bình- người vô cùng thú vị, vô cùng tận tâm, người làm cho những con số khô khan trở nên có hình có khối thì số thứ hai của chuyên mục “ Người đi mài ngọc” hôm nay, Pschool sẽ đem đến cho các bạn một cái nhìn hoàn toàn khác từ Toán học: tình yêu. Và số lần này, chúng ta hãy cùng đồng hành với thầy Hoằng và cô Hòa nhé!
( Hiện thầy Hoằng là giáo viên dạy Toán của trường THPT Kim Liên và cô Hòa cũng đang giảng dạy bộ môn Toán trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Cả hai thầy cô đều đang mở lớp 10, 11, 12 ở trung tâm Pschool. Nếu bạn nào muốn nhìn nhận Toán học dưới góc nhìn mới, hãy liên hệ với số điện thoại : 0981.255.000 hoặc có thể đến trực tiếp 47 TT6, Khu đô thi Văn Phú để được trung tâm hỗ trợ một cách tốt nhất)
Trung tâm Pschool, dù là học viên cũ hay mới, hẳn rằng ai cũng biết đến thầy Hoằng và cô Hòa. Cả hai người, dù ít nhiều, cũng để lại trong học viên nhiều ấn tượng. Nhưng có lẽ, điều mà học sinh nhớ nhất chính là việc hai thầy cô, một cặp vợ chồng cùng dạy Toán, cặp vợ chồng tuy cùng chuyên môn nhưng đều có những lối đi và cách giảng riêng.
Thầy Phạm Văn Hoằng- con người đặc biệt từ cái tên.
Nếu những ai ở các tỉnh nằm ven đồng bằng Bắc Bộ như Hải Dương, Bắc Giang,…và phải sống thật lâu thì mới nghe và hiểu ý nghĩa của từ “ Hoằng”. Bởi cái tên đấy, mấy khi ta nghe thấy. Theo như thầy bảo, bố thầy đặt cho thầy là “ Hoằng” vì trong nhiều văn bản cổ chữ Hán, từ này nghĩa là to lớn, hùng vĩ. Thầy có vẻ tự hào về cái tên của mình, cảm thấy riêng biệt vì bản thân không trùng với nhiều người khác.
Nhưng cái tên, phần nào nói lên thân phận. Thầy có một bộ óc “ to lớn” hơn người. Trong những tiến sĩ Toán học trẻ tuổi Việt Nam, thầy Hoằng cũng góp mặt. Thầy thường xuyên nghiên cứu về những thuật Toán mới, tham khảo cách viết sách của người nước ngoài và thậm chí, thầy còn xuất bản sách nữa. Một con người ở tuổi sắp sửa tứ tuần nhưng “ bộ óc” đã lớn hơn nhiều người khác.
Thầy, tuy thiên về nghiên cứu học thuật, nhưng lại có một cách giảng khá tỉ mỉ trên lớp. Bằng những kiến thức mà bản thân sưu tầm, lấy kinh nghiệm, thầy truyền đạt hết cho học sinh của mình. Đầu tiên sẽ nắm chắc cơ bản, sau đó là đi vào nâng cao. Cứ như thế, học sinh học Toán thầy cứ từ từ mở rộng tầm mắt. Dẫu cao siêu về học thuật nhưng những kiến thức thầy truyền lại cho học sinh thì vô cùng dễ hiểu. Thầy, thậm chí, sẽ giải thích cho học sinh biết, thuật ngữ Toán học này bắt nguồn từ đâu, tại sao lại gọi như thế. Có lẽ, vì đi từ gốc rễ, nên ai học thầy cũng cảm thấy, mỗi một con số, thuật toán đều sẽ có những câu chuyện riêng như cuộc đời của mỗi con người. Để rồi, ấn tượng mà những câu chuyện ấy để lại, dễ dàng cho học sinh tiếp cận và tiếp thu một cách nhanh và chính xác.
Học thầy Hoằng, học sinh sẽ không có khái niệm “ nhàm chán” vì thầy, luôn là người khơi mào cho mỗi cuộc đua. Dù là học sinh giỏi hay học sinh tầm trung, hiếm ai mà không có tính hiếu thắng. Thầy “đánh” vào tâm lý ấy. Cứ mỗi một bài khó, dễ dẫn đến hiện tượng chán nản, thầy lập tức sẽ treo thưởng cho bạn học sinh nào giải nhanh và đúng. Để rồi, đứa này ganh đứa kia, cùng nhau học. Dẫu học xong, đứa nào cũng quên mất phần thưởng thầy hứa ban đầu. Có nhiều thứ trong cuộc sống, dù không nhớ phần thưởng mình sẽ đạt nhưng nếu có người định “tranh” nó, chúng ta lại ngay lập tức muốn giành về. Vì chúng ta là những con người không muốn đánh mất cơ hội mình có.
Ấn tượng của tôi về thầy Hoằng cũng nhiều, nhưng tôi nghĩ, thầy hẳn sẽ nhớ tôi vì tôi luôn là đứa “bật” thầy trong mọi trường hợp. Điển hình là lúc thầy nói ý nghĩa, tôi sẽ hỏi tại sao người ta lại dùng từ kia, tại sao không dùng từ ngắn gọn , tại sao lại nhất thiết có trường hợp ấy……Mười vạn câu hỏi vì sao tôi có hỏi đi hỏi lại, nhưng không vì thế, mà thầy không trả lời. Thầy giải thích cho tôi vào cuối mỗi buổi học, nhằm không ảnh hưởng đến các bạn khác. Thầy còn bảo tôi cá tính. Bây giờ nghĩ lại, thấy những năm tháng học cấp ba của tôi, cũng thật “bướng bỉnh”!
Cô Lê Thị Hòa- người nhẹ nhàng trong mọi câu nói nhưng có lẽ, cái nhẹ nhàng của cô đã biểu hiện ở ngay tên “ Hòa”.
Tôi không biết bắt đầu từ đâu, phải nói gì khi viết về cô Hòa nữa. Dường như, dòng chữ cứ đánh ra rồi lại xóa đi. Cứ như thế, hành động ấy, lặp đi lặp lại cả chục lần. Trước giờ, tôi vẫn tin vào sự sắp đặt của số phận. Bởi, mỗi một quãng đường tôi đi, tôi lại gặp được những con người tốt như thế. Và hình như, người tốt thì luôn được gặp gỡ tình cờ.
Tôi nhớ những ngày đầu học ở Nguyễn Huệ, với môi trường mới, bạn mới, không quen ai cả. Tôi băn khoăn về quãng thời gian sắp tới, về môn Văn, về Toán và về điểm. Tôi phân vân giữa những lựa chọn, sợ hãi giữa quy định mới. Và thật may, cô Hòa đã dạy Toán tôi từ buổi đầu tiên.
Toán học, vốn chẳng phải là môn yêu thích với một đứa chuyên Văn. Công thức, con số, máy tính, liên tục, liên tục bắt tôi suy nghĩ, bắt tôi phải tập trung vào chúng khiến nhiều lúc, tôi cảm thấy ghét môn đấy ra trò. Để mà nói về cô Hòa, có lẽ, chỉ nên gói gọn trong một từ “ Tuyệt!”. Tôi cũng không biết ngoài từ ấy ra thì tôi còn có thể dùng từ nào khi nói về cô nữa. Cô có một khuôn mặt phúc hậu, giống với khuôn mặt bà ngoại, khiến tôi ấn tượng ngay từ những buổi đầu vào lớp. Người ta thường nói “ Mặt tròn phúc hậu” và cô là minh chứng điển hình cho câu nói ấy. Chưa bao giờ, tôi thấy cô cáu giận với ai cả. Thậm chí, sau này, khi chúng tôi học đại học rồi, cô không lần nào cáu tôi. Có nhiều cách để gây ấn tượng với một người, nhưng, cách ấn tượng nhất, chính là đối xử bằng tình yêu.
Cô Hòa là một giáo viên dạy Toán giỏi. Đó không phải là câu nói suông. Nó được chứng minh từ những thế hệ học sinh trường Nguyễn Huệ. Cô có thể truyền đạt cho chúng tôi những công thức mới một cách nhanh và dễ hiểu nhất. Tôi nhớ, cô từng nói, : “cách nhớ nhanh nhất chính là các em hãy coi nó như những người em thương, vì chỉ khi thương, em mới có thể tiếp nhận nó một cách dễ dàng. Toán học là một phần cuộc sống. Nếu em ghét bỏ nó, em sẽ không thể tiếp tục ở những chặng đường sau”. Cô giảng cho chúng tôi, nhẫn nại, nhẫn nại từng chút một. Chúng tôi không hiểu, cô sẽ giảng lại lần nữa. Chúng tôi, phải đến lúc nào thật sự hiểu vấn đề, cô mới dừng lại và giao bài tập. Có một điểm chung thường xuất hiện ở nhiều thầy cô dạy Toán chính là sự kiên nhẫn. Kiến thức có khó nhằn một chút cũng không sao, đứng thêm mấy phút nữa giảng lại cũng không sao, miễn là, học sinh có thể hiểu, thầy cô, bằng cách này hay cách khác, đều rất mừng.
Chuyên môn giỏi, giáo viên tâm lí tốt, thành tích của cô cũng “dài cả danh sách”. Bất cứ học sinh chuyên Toán nào, có thể ở đội tuyển quốc gia, đi thi và đạt giải, bên cạnh những thầy cô khác, anh chị cũng nhắc đến cô Hòa. Bất kì ai được học cô, ai được tiếp xúc, cũng đều nói cô là người có chuyên môn cao. Phụ huynh học sinh, kể cả sau khi con ra trường, cũng nhắc đến cô Hòa với một giọng kính trọng. Cô cũng rất tâm huyết với nghề giáo. Cô dành cho nó tình yêu và độ tín nhiệm đích thực. Cô sẵn sàng đi tìm những cách giảng khác phù hợp với học sinh, sẵn sàng thức đêm để làm toán và sẵn sàng coi học sinh như những đứa con cần được bao bọc và dạy dỗ. Tình yêu nghề ấy khiến tôi thực sự nể phục cô. Có lẽ, thành tích tốt nhất của một người giáo viên, đôi khi không chỉ là những giải chuyên môn, mà là những con người ra đời được họ dạy dỗ trở thành những người có ích, là cách ứng xử của họ để lại trong lòng người tiếp xúc những ấn tượng đặc biệt.
Cô Hòa, dẫu vậy, cũng là người nghiêm khắc. Cô cũng có những nguyên tắc dạy riêng. Dẫu cô có thể hiền, có thể không cáu, nhưng một khi không làm bài tập, hay đến lớp muộn, hay đi học một cách “ đi nghỉ không rõ”, cô đều có những hình phạt riêng- những hình phạt mà học sinh bị phạt một lần sẽ không bao giờ tái phạm. Nên dù hiền, nhưng ai cũng sợ cô “một phép”.
Có những khoảnh khắc, nhờ một người, khiến bạn nhận ra những giá trị bản thân mình sở hữu. Tôi còn nhớ, những ngày đầu chập chững bước vào chuyên văn, bạn bè xung quanh ai cũng giỏi, khiến tôi cảm thấy mình nhỏ bé. Nhìn tôi mỗi ngày đi học với tâm trạng khác nhau, cô chỉ hỏi tôi một câu, mà tôi thì nhớ đến tận bây giờ “ Con có ổn không thế?”. Và thế là, tôi kể cho nghe hết những gì trong lòng mình. Những chập chùng, những bâng khuâng. Cô chỉ lắng nghe tôi kể, không nói gì. Để rồi, cứ mỗi sự kiện của Pschool, cô đều nhờ tôi viết. Điều khiến tôi quý cô, không phải vì những lời khen về bài tôi viết, mà còn là vì, dẫu tôi viết rất dở, cô cũng tiếp nhận nó một cách hết sức nghiêm túc. Thái độ ấy của cô, khiến tôi phải đặt bản thân vào suy nghĩ rằng, tôi có khả năng thực sự không? Sau lần đấy, tôi cũng tự tin hơn khi đối diện với mọi người. Hãy thử tưởng tượng, bạn đang bị mắc kẹt trong một căn hầm tối, bỗng có ánh sáng chỉ lối ra, bạn sẽ mừng như thế nào? Cô Hòa, với tôi, cũng chính là ánh sáng ấy.
ĐIỆU HỒN ĐẾN TỪ NHỮNG CON NGƯỜI ĐỒNG ĐIỆU
Hai con người, với những tính cách khác nhau, nhưng đều chung một tình yêu nghề và tình yêu Toán. Phải chăng, tình yêu những con số đã gắn kết thầy cô lại với nhau, tạo nên một cặp vợ chồng ăn ý? Thầy Hoằng, một con người cẩn thận, tỉ mỉ, tâm huyết. Cô Hòa, một con người nhẹ nhàng, hiểu chuyện, biết lắng nghe. Hai thầy cô, đều có cái tên là một phần tính cách. Để rồi, ở trung tâm Pschool, học sinh được tiếp xúc với hai con người thông minh, giỏi giang ấy. Đâu cứ phải văn chương mới đem lại sự lãng mạn, thực chất, bất kì một ngành nghề nào cũng có những lãng mạn riêng nếu ta có đủ tình yêu dành cho nó. Thầy và cô, có thể vẫn sẽ gặp nhau dưới thầy cô giáo dạy bộ môn khác, nhưng tình yêu Toán học, yêu con số, đã gắn kết hai tâm hồn đồng điệu. Đấy cũng là minh chứng rõ nhất cho câu nói “ Cái cây có gốc bằng tình yêu sẽ mãi mãi bền vững với thời gian”. Chẳng phải những người nổi tiếng, với tần suất tên xuất hiện đầy trên những trang web, thầy cô, chỉ là những con người bình dị, yêu nghề để rồi, đem cho đời những con người thành công và có ích. Nghề giáo, thiêng liêng nhất, âu cũng vì cái nghiệp “trồng người”:
“ Đâu phải hạt ngọc nào sinh ra đã sáng luôn
Có lẽ thế, mới cần người mài ngọc
Mà đâu phải người mài thì ngọc mới sáng
Có những hạt ngọc được người mài cho sáng
Để truyền sự sáng ấy cho những viên ngọc khác
Thì những hạt ngọc ấy
Cũng được coi là người đi mài ”
Nhiều tình yêu trở nên ý nghĩa vì nó được tạo nên bởi những con người đặc biệt
“ Có người thầy, dành cả đời để đi tìm những cách giảng mới
Cũng có người cô, dạy cho học sinh bằng tất cả tình yêu.
Họ gặp nhau vì những con số
Và cũng từ con số, họ tạo ra tiếng đời”.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Pschool xin chúc thầy và cô mạnh khỏe, hạnh phúc. Cảm ơn thầy cô đã đem cho đời những tình yêu riêng, đã cố gắng truyền đạt cho học sinh những gì mình có. Mong thầy cô có thể dạy cho nhiều thế hệ sau nữa, để tình yêu thương của thầy cô lan tỏa cho những học sinh khác, để tên thầy “Hoằng’ thật sự to lớn, để tên cô Hòa thật sự yêu thương, và để cho câu chuyện thầy cô mãi mãi được lưu lại trong câu chuyện “ Tình người ”. Tuyệt vời làm sao khi trong đời có những tình yêu giản dị mà ý nghĩa đến thế!